Giữa lòng Quảng Ninh, nơi có những danh thắng tuyệt đẹp như Vịnh Hạ Long và các dãy núi hùng vĩ, Đình Trà Cổ nổi bật như một viên ngọc quý của di sản văn hóa. Với lịch sử hàng trăm năm, đình không chỉ là một công trình kiến trúc độc đáo mà còn là nơi lưu giữ những giá trị tâm linh và văn hóa đặc sắc của người dân địa phương. Hạ Long Media sẽ đưa bạn khám phá vẻ đẹp của Đình Trà Cổ, nơi mà dấu ấn thời gian hòa quyện với cảnh sắc thiên nhiên tuyệt mỹ, tạo nên một không gian thanh bình, trầm lắng giữa nhịp sống hối hả của cuộc sống hiện đại.
Tìm về Đình Trà Cổ – nơi lưu giữ ký ức xưa một thời
Trong không gian văn hóa vùng duyên hải Đông Bắc Việt Nam, đình Trà Cổ thuộc thành phố Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh nổi lên như một di tích có giá trị đặc biệt về lịch sử và văn hóa, kiến trúc và nghệ thuật. Đình Trà Cổ thuộc địa phận khu Nam Thọ, phường Trà Cổ (TP Móng Cái), là một trong những ngôi đình có nguồn gốc và đặc điểm của nền văn hóa Đồng bằng Bắc Bộ, tập trung nét đặc trưng riêng của nền văn hóa Việt, góp phần hình thành nên cộng đồng làng xã.
Lịch sử hình thành và phát triển của Đình Trà Cổ
Lịch sử đình Trà Cổ gắn với truyền thuyết “Người Trà Cổ, tổ Đồ Sơn”. Theo hồ sơ khoa học xếp hạng của di tích, đình Trà Cổ được xây dựng từ thế kỷ XV. Quá trình hình thành và tồn tại của đình Trà Cổ gắn liền với lịch sử hình thành và phát triển của vùng đất Trà Cổ ngày nay.
Theo truyền thuyết mà người dân địa phương lưu lại thì vào thời Hậu Lê, người dân làm nghề đánh cá từ đất Đồ Sơn (thuộc TP Hải Phòng ngày nay) thường đi cả gia đình kiếm kế sinh nhai ở nhiều vùng biển xa, về cả miền cửa biển (thuộc vùng biển Trà Cổ – Móng Cái). Trong một lần sóng to gió lớn, 12 gia đình đã trôi dạt vào một bán đảo hoang vu chỉ có sú vẹt và lau sậy. Không chịu nổi sự vất vả, 6 gia đình đã tìm cách để quay về quê cũ. 6 gia đình còn lại quyết tâm bám đất, xây dựng vùng quê mới. Ngày ngày họ cùng nhau khai phá đất mới, vừa đánh cá, vừa khai hoang.
Ban đầu chỉ là 6 ngôi nhà đơn sơ mọc lên, dần dần đã trở thành một xóm làng trù phú. Cũng như nhiều làng quê khác trên đất nước Việt Nam, đình Trà Cổ đã được nhân dân góp công, góp của xây dựng. Sau khi xây dựng đình, nhân dân địa phương đã trở về quê cũ để xin chân hương các vị thành hoàng làng về thờ tại đình là các thần Không Lộ, Giác Hải, Nhân Minh, Huyền Quốc, Quảng Trạch. Ngoài ra, đây cũng là nơi phối thờ của 6 vị tiên công đã có công khai khẩn, lập nên vùng đất Trà Cổ xưa.
Trải qua những thăng trầm của thời gian và những dấu ấn lịch sử văn hoá được ghi đậm nét đến nay, đình Trà Cổ đã trải qua nhiều lần trùng tu lớn. Trong đó, lần trùng tu gần nhất là vào năm 2012.
Xem thêm
Đền Trà Cổ – ngôi đền mang đậm dấu ấn của văn hóa Đồng bằng Bắc Bộ
Đình Trà Cổ được xây dựng trên khu đất bằng phẳng, cao ráo ở trung tâm của bán đảo Trà Cổ xưa (nay thuộc địa bàn khu Nam Thọ, phường Trà Cổ), cách bãi biển Trà Cổ khoảng 200m theo đường chim bay; đình quay hướng nam ghé đông.
Đình Trà Cổ hiện thờ 7 vị Thành hoàng làng là: Bạch Điểm Tước, Ngọc Sơn, Huyền Quốc Lã Thái úy, Không Lộ, Giác Hải, Nhân Minh và Quảng Trạch. Bên cạnh đó, đình còn thờ sáu vị hiền tài có công khai hoang lập nên vùng đất Trà Cổ xưa.
Đình Trà Cổ là kiến trúc gỗ có mặt bằng hình chữ Đinh thuộc loại sớm nhất trong lịch sử kiến trúc đình làng nói riêng, lịch sử kiến trúc Việt Nam nói chung. Trải qua gần 400 năm tồn tại và phát triển, đình Trà Cổ đã được trùng tu nhiều lần nhưng về cơ bản vị trí, kiến trúc, nghệ thuật truyền thống của đình được bảo tồn tương đối nguyên trạng. Hiện nay, đình Trà Cổ được khoanh vùng bảo vệ theo quy định của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
Ngôi đình là một kiến trúc cổ bề thế, mái lợp ngói vẩy, bốn góc đao cong vút như một con thuyền rẽ sóng lướt tới, tạo nên dáng vẻ thanh thoát. Các bức cốn ở vì kèo thể hiện đường nét chạm trổ chắc khỏe, tinh xảo và rất sống động, mang dấu ấn thời bấy giờ và được đánh giá là một trong những ngôi đình có quy mô đồ sộ và kiến trúc độc đáo của khu vực Đồng bằng Bắc Bộ. Hiện nay, tại đình Trà Cổ còn lưu giữ được nhiều hiện vật có giá trị như: 3 đỉnh hương đồng, 2 hạc cưỡi đầu rùa bằng gỗ sơn son thếp vàng, 8 long ngai bằng gỗ của thời Nguyễn, 12 sắc phong
Nên đến đình Trà Cổ để tham quan vào thời gian nào?
Đình Trà Cổ thuộc khu vực khí hậu miền Bắc, nên thời tiết ở đây cũng sẽ được chia thành 4 mùa riêng biệt đặc trưng.
Mùa hè sẽ kèm theo những cơn bão cơn mưa với thời tiết đôi khi nắng nóng, đôi khi mát mẻ, thích hợp cho những hoạt động vui chơi biển và tham quan các di tích văn hóa. Còn mùa đông sẽ cực kì lạnh và giá rét, thời điểm này thường sẽ thích hợp cho du khách nước ngoài hơn là du khách Việt Nam và cũng không phải là mùa thu hút khách của Hạ Long. Nhưng nếu muốn đến tham quan Đình Trà Cổ thì bạn có thể đi đến đây vào bất cứ mùa nào mình thích.
Đình Trà Cổ – điểm du lịch Quảng Ninh hấp dẫn với lễ hội văn hóa đặc sắc
Hằng năm, từ ngày 30/5 – 3/6 âm lịch, tại đình Trà Cổ diễn ra lễ hội truyền thống. Đây là một lễ hội có quy mô lớn, tiêu biểu cho loại hình lễ hội dân gian trên địa bàn TP Móng Cái nói riêng và của cả nước nói chung. Nét độc đáo của lễ hội đình Trà Cổ là lễ rước thần trên biển và hội thi “Ông voi” (lợn) độc đáo. Với những giá trị to lớn về kiến trúc, nghệ thuật và văn hóa, năm 1974, đình Trà Cổ đã được Bộ Văn hóa – Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng là di tích kiến trúc – nghệ thuật cấp Quốc gia.
Không chỉ là nơi thờ phụng, Đình Trà Cổ còn là điểm đến lý tưởng cho những ai yêu thích tìm hiểu về di sản văn hóa, nơi mà cảnh đẹp non nước hòa quyện với tâm linh và lịch sử. Đến đây, du khách không chỉ được chiêm ngưỡng kiến trúc độc đáo mà còn trải nghiệm không khí linh thiêng, tĩnh lặng, giúp tâm hồn được thư giãn và hòa mình vào vẻ đẹp thanh bình của thiên nhiên. Hãy một lần ghé thăm Đình Trà Cổ để cảm nhận dấu ấn thời gian và những câu chuyện lịch sử vẫn sống mãi trong lòng người dân Quảng Ninh.