Hát nhà tơ Quảng Ninh không chỉ là một hình thức nghệ thuật độc đáo mà còn là một phần quan trọng trong di sản văn hóa phi vật thể của Việt Nam. Với những giai điệu trữ tình và phong phú, hát nhà tơ phản ánh đời sống, tâm tư và tình cảm của người dân nơi đây. Tuy nhiên, trước sự biến đổi nhanh chóng của đời sống hiện đại, nghệ thuật này đang đứng trước nguy cơ mai một. Hạ Long Media sẽ giúp bạn tìm hiểu về giá trị văn hóa của hát nhà tơ, cũng như những nỗ lực cần thiết để bảo tồn di sản quý báu này cho các thế hệ mai sau.
Hát nhà tơ Quảng Ninh – vang vọng hồn quê trong từng giai điệu
Hát nhà tơ – Hát múa cửa đình tồn tại khoảng thế kỷ thứ XIII, thời nhà Lý và Vạn Ninh là một trong những cái nôi của Hát nhà tơ – Hát múa cửa đình. Loại hình nghệ thuật Hát nhà tơ – Hát múa cửa đình đã được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia hiện nay vẫn được bảo tồn với những nét độc đáo và đặc sắc riêng có tại Lễ hội đình Vạn Ninh.
Lịch sử hình thành và phát triển của loại hình nghệ thuật hát nhà tơ Quảng Ninh
Hát nhà tơ – nét nghệ thuật độc đáo xứng đáng được gìn giữ
Là một loại hình nghệ thuật diễn xướng trước thần thánh, trước các vị anh hùng dân tộc nên biểu diễn hát nhà tơ mang tính kỷ luật cao. Không gian diễn xướng ở chốn linh thiêng nên phải tôn trọng tuần tự biểu diễn và sáng tạo, các đào nương khi tập hát cần đạt theo tiêu chuẩn là “hát hay”, kết hợp nhuần nhuyễn với các loại nhạc cụ thật ăn ý. Một cuộc hát diễn ra theo tuần tự các bài hát. Người sau lại tiếp tục hát các bài hát theo thứ tự. Cô đào thay phiên nhau hát cho đến khi trời mờ sáng thì tan cuộc.
Hát cầu phúc, chúc tụng thần thánh, vua chúa, dân bản là một nội dung rất quan trọng trong hát nhà tơ. Nội dung các bài hát đều ca ngợi không khí thanh bình, thịnh trị và có nhiều lời tốt đẹp chúc tụng nhân dân sống yên vui hạnh phúc. Như những lời chúc phúc, cầu may mắn bình an cho cả một năm. Thông qua những lời hát ca ngợi, ông cha ta muốn gửi gắm lời dạy về đạo lý làm người.
Hát, múa cửa đình trong hát nhà tơ chỉ thực hiện tại lễ ở đình làng với 9 điệu: Giọng vọng, giọng thét nhạc, giọng thả, giọng huỳnh, giọng giai, giọng phú, giọng xà lam (ca trù), gọng hãm và giọng thập nhị tứ hiếu. Để hát được các làn điệu, đào hát phải có giọng, khi hát phải biết ém hơi, nhả chữ, khi lên bổng, lúc xuống trầm, lúc lại ngân nga dìu dặt…
Còn về phần múa thì cũng có các điệu: Múa dâng nhan, múa tế, múa đèn, múa bông. Sự uyển chuyển của điệu múa kết hợp với vai trò của trống cái, của xênh kết hợp với trống con và phách, đã tạo ra không khí tưng bừng của lễ hội.
Xem thêm
Bảo tồn và phát triển giá trị văn hóa của nghệ thuật hát nhà tơ – cửa đình
Hát nhà tơ – hát, múa cửa đình là hình thức diễn xướng dân gian và cũng là một tập tục, một nghi thức và là nét đẹp văn hóa truyền thống không thể thiếu trong lễ hội đình Vạn Ninh, TP Móng Cái vào các dịp hội hay sự kiện văn hoá, rất cần được bảo tồn, lưu giữ và phát huy giá trị.
Dù người dân Quảng Ninh có lam lũ, vẫn ra đồng hay tần tảo buôn bán nơi góc chợ để mưu sinh cuộc sống nhưng những mạch ngầm say mê từng ca từ, điệu nhạc của hát múa nhà tơ, hát cửa đình đã và đang ngấm dần vào da thịt, nuôi dưỡng lớp người kế cận cho di sản văn hóa phi vật thể này của Quảng Ninh.
Để bảo tồn và phát huy giá trị văn hoá phi vật thể Hát nhà tơ – Hát, múa cửa đình ở Quảng Ninh, theo ông Nguyễn Quang Vinh, Chủ tịch Hội VNDG tỉnh, tỉnh cần có những biện pháp tích cực để bảo tồn, như:
- Cần có chính sách đãi ngộ đối với những người có công lưu giữ và truyền dạy hát cửa đình và những nghệ nhân đánh đàn đáy, gõ trống và đánh phách
- Có kế hoạch lưu giữ bằng cách biên tập, xuất bản các tập sách băng đĩa; mở lớp bồi dưỡng đánh đàn đáy, đánh trống và gõ phách
- Xây dựng các đội, câu lạc bộ Hát nhà tơ – Hát, múa cửa đình cho 4 địa phương là Vân Đồn, Đầm Hà, Hải Hà và Móng Cái
- Thường xuyên tổ chức liên hoan và giao lưu hát cửa đình với các địa phương trong tỉnh và các địa phương khác trong những dịp lễ hội v.v..
Hát nhà tơ Quảng Ninh không chỉ đơn thuần là một loại hình nghệ thuật mà còn là một phần quan trọng trong di sản văn hóa phi vật thể của dân tộc. Với sự phong phú trong giai điệu và ý nghĩa sâu sắc, nghệ thuật này phản ánh tâm hồn và bản sắc văn hóa của người dân nơi đây. Mỗi người con Quảng Ninh cần chung tay gìn giữ và truyền bá di sản quý báu này, để không chỉ bảo tồn nét đẹp văn hóa mà còn góp phần làm phong phú thêm kho tàng văn hóa Việt Nam.