Nhắc đến ẩm thực Việt Nam, không thể không kể đến những món ăn mang đậm hương vị truyền thống. Trong số đó, bánh tro Phong Cốc nổi bật như một đặc sản của Quảng Ninh, không chỉ có hương vị ngọt ngào mà còn là một văn hóa ẩm thực sâu sắc. Mỗi miếng bánh tro vừa là món ăn dân dã, đọng lại chút ngọt ngào trong từng miếng ăn, gợi nhớ về những kỷ niệm ấm áp bên gia đình và bạn bè. Cùng Hạ Long Media khám phá thêm về loại bánh này qua bài viết.
Bánh tro Phong Cốc – hương vị đặc sắc từ làng quê Việt
Phường Phong Cốc là một trong 8 xã, phường nằm trong khu đảo Hà Nam thị xã Quảng Yên. Lịch sử ra đời nghề làm bánh Gio gắn liền với sự ra đời và phong tục tập quán của người dân phường Phong Cốc.
Bánh gio hay còn được gọi là bánh tro, là món quà quê dân dã, mộc mạc, dung dị và rất đỗi thân quen. Là một loại bánh truyền thống làm từ những sản vật nông nghiệp, có từ lâu của nhân dân nơi đây. Ngày nay, rất ít người còn lưu giữ nghề làm bánh tro truyền thống này.
Nghề làm bánh tro có từ lâu đời ở thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh. Nhân dân vùng đảo có phong tục vào dịp Tết Nguyên đán, lễ Chạp tổ và lễ ra cỗ họ ở các từ đường, mọi gia đình vùng tứ xã đều tự làm bánh tro để cúng tổ tiên và thưởng thức. Nghề làm bánh tro ra đời từ đó và ngày nay đang đem lại nguồn thu nhập cao cho người dân địa phương.
Quy trình để chế biến ra một chiếc bánh tro Phong Cốc ngon chuẩn vị
Làm bánh tro phải trải qua nhiều công đoạn tỉ mỉ từ khâu chọn nguyên liệu đến cách làm. Để làm được một mẻ bánh tro thường phải mất cả ngày với nhiều công đoạn từ chế nước tro, ngâm rửa lá dong, ngâm gạo đến gói bánh và luộc bánh.
Khâu chọn nguyên liệu làm bánh tro Phong Cốc
Nguyên liệu chính để làm nên bánh tro Phong Cốc là gạo nếp. Gạo để làm bánh phải là loại nếp cái hoa vàng, hay nếp nhung của vụ mùa mới, nhặt hết những hạt tẻ lẫn vào, vo gạo bằng nước thật sạch, để ráo. Gạo nếp sẽ được ngâm kỹ với nước tro.
Lá dùng để lấy tro cũng khác nhau, ở Đắc Sở, huyện Hoài Đức, Hà Nội, nước ngâm gạo được người làm lấy từ tro của cây dền gai, rơm nếp, vỏ bưởi; ở Phú Yên là tro của cây tầm gửi, bưởi, cây vừng; còn ở Yên Lãng, Thanh Hóa là tro của rơm nếp, bẹ cau nếp, quả vừng và măng tre; Nhưng riêng ở Quảng Yên, Quảng Ninh, người dân dùng cây giá (chỉ có ở vùng cửa sông Bạch Đằng) đốt rồi lấy tro ngâm với gạo để làm bánh.
Thứ tro này được rây mịn, đem hòa với nước vôi trong theo một tỷ lệ nhất định. Sau đó, cho gạo vào nước này ngâm một đêm. Nếu ngâm gạo quá lâu, bánh sẽ bị nồng. Ngâm khi nào dùng 2 đầu ngón tay để di hạt gạo thấy vỡ vụn là được. Khi vớt gạo gói bánh cần phải xả với nước thật sạch, xóc với một chút muối, để ráo. Đây là công đoạn cốt yếu để tạo nên màu nâu vàng hổ phách, phảng phất hương vôi, ngọt thơm mát, nuột nà hương vị thanh mát đặc trưng của bánh.
Xem thêm
Công đoạn gói và luộc bánh tro Phong Cốc
Bánh tro ngon nhất là khi được gói bằng lá ỏng hay lá dong hoặc lá chuối. Gia đình anh Vần thường chọn lá dong và lá chuối để gói bánh tro. Lá dong được chọn là những lá tươi xanh, to bản và lành lặn, rửa sạch luộc kĩ nhiều lần cho phai bớt mùi hăng rồi lau thật khô trước khi gói. Gạo để vào lòng chiếc lá phải gọn, đều, rồi quấn lá và bẻ mép ở hai đầu bánh cho thật khít, cân đối để chiếc bánh chín bóc ra nhìn nuột nà, “ngon mắt”.
Người ta có thể gói bánh dài hoặc bánh ngắn. Dây buộc bánh cũng không được quá chặt để khi đem luộc, hạt gạo nếp có thể nở và chín đều. Người làm bánh lâu năm sẽ biết khi luộc bánh tro nên cho thêm một vài lát măng khô, để làm tăng vị bánh và làm cho màu bánh được vàng óng, thơm hơn.
Bánh tro luộc chín, bóc từng lớp vỏ ngoài thấy hiện lên một màu vàng nâu, trong như hổ phách, chưa cần thưởng thức cũng đã quyến rũ người ăn. Bánh tro Phong Cốc thường được chấm với nước mật hoặc với đường. Cắn một miếng thấy được vị thanh mát, dẻo thơm của hạt gạo quyện lẫn với vị ngọt của đường, cảm nhận được sự tài hoa, khéo léo của những người thợ làm bánh.
Những kinh nghiệm bỏ túi khi muốn thưởng thức bánh tro Phong Cốc
Thị xã Quảng Yên cách trung tâm thành phố Hà Nội khoảng 150km. Đến Quảng Yên, ngoài đến thăm những danh thắng, di tích lịch sử nổi tiếng như Đền Trần, Miếu Vua, sông Bạch Đằng… du khách còn được thưởng thức nhiều loại ẩm thực đặc sắc trong đó có bánh gio Quảng Yên.
Theo kinh nghiệm của nhiều người, bánh tro Phong Cốc ăn lúc để nguội là ngon nhất, vì lúc đó mùi vôi đã bớt nồng, tấm bánh đã đanh lại, độ dẻo và độ giòn đều đã được tăng lên. Bánh tro Phong Cốc, Quảng Yên có giá từ 8.000-10.000 đồng/chiếc.
Với hương vị ngọt ngào và kết cấu mềm mại, bánh tro Phong Cốc là một món ăn dân dã, như sợi dây kết nối giữa các thế hệ. Hãy để mỗi miếng bánh tro mang đến không chỉ vị ngon mà còn là những kỷ niệm đáng nhớ, một chút ngọt ngào trong cuộc sống thường nhật. Đừng ngần ngại tìm đến Quảng Ninh một lần và trải nghiệm hương vị đặc sắc này, để cảm nhận trọn vẹn bản sắc văn hóa ẩm thực Việt Nam.