Quảng Ninh sở hữu chiều dài bờ biển trên 250km, diện tích vùng biển khoảng 6.000km2, đây là lợi thế vô cùng lớn, điều kiện thuận lợi không phải tỉnh, thành phố nào cũng có được, để phát triển kinh tế biển. Suốt nhiều năm qua, Quảng Ninh luôn kiên định và quyết tâm thực hiện chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế từ “nâu” sang “xanh” bền vững, trong đó một trong những mục tiêu quan trọng là trở thành tỉnh mạnh từ biển, giàu từ biển.
Nghị quyết số 36-NQ/TW, ngày 22/10/2018 của Hội nghị Trung ương 8 khóa XII về “Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” khẳng định vị trí, tầm quan trọng trong phát triển kinh tế biển, đồng thời xác định nhiệm vụ đưa nước ta trở thành quốc gia mạnh về biển, giàu từ biển. Nghị quyết số 36-NQ/TW đề ra mục tiêu tổng quát và mục tiêu cụ thể nhằm đưa Việt Nam trở thành quốc gia mạnh về biển, có sự phát triển bền vững, thịnh vượng, bảo đảm an ninh, an toàn nền kinh tế biển, trong đó xác định đến năm 2030, các ngành kinh tế thuần biển có đóng góp vào GDP cả nước đạt khoảng 10%; kinh tế của 28 tỉnh, thành phố ven biển ước đạt 65 – 70% GDP cả nước; các ngành kinh tế biển phát triển bền vững theo các tiêu chuẩn quốc tế; tăng cường kiểm soát khai thác tài nguyên biển gắn với bảo đảm khả năng phục hồi của hệ sinh thái biển…
Thực hiện nghị quyết quan trọng này, Quảng Ninh xác định rõ những lợi thế, tiềm năng, thuận lợi, khó khăn trong phát triển kinh tế biển. Trong đó, những năm qua, Quảng Ninh đã tập trung đầu tư hệ thống đường giao thông kết nối nội vùng, liên vùng và quốc tế, nhất là tuyến đường cao tốc chạy dọc tỉnh kết nối các cửa khẩu, cảng biển, sân bay tạo lợi thế phát triển kinh tế biển.
Để phát huy hơn nữa lợi thế về kinh tế biển, trong Quy hoạch tỉnh Quảng Ninh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050, tỉnh xác định xây dựng, phát triển Quảng Ninh trở thành trung tâm kinh tế biển bền vững của cả nước trên cơ sở phát triển du lịch, dịch vụ kết nối khu vực và quốc tế; đầu tư xây dựng hệ thống cảng biển nước sâu, các tàu du lịch đẳng cấp quốc tế gắn với phát triển kinh tế chuỗi khu kinh tế, khu đô thị biển, ven biển cận kề và là một trong những trung tâm logistics trọng điểm của cả nước; xây dựng Quảng Ninh thành một trong những cửa ngõ trung chuyển hướng biển của khu vực; tăng khả năng liên kết không gian kinh tế ven bờ, biển và đảo, tạo động lực phát triển cho vùng Đông Bắc và cả nước; phát triển khai thác và nuôi trồng thủy sản ven biển và trên biển công nghệ cao, hiệu quả, bền vững; khuyến khích nuôi các đối tượng làm dược liệu biển và thực phẩm dinh dưỡng từ sản phẩm biển; ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo trong chế biến sâu, bảo quản sau thu hoạch,… để tạo giá trị gia tăng của sản phẩm biển.
Quảng Ninh quy hoạch không gian ven biển, ven bờ cho phát triển du lịch bền vững kết hợp phát triển các lĩnh vực kinh tế – dịch vụ dựa vào bảo tồn biển là thế mạnh vượt trội; coi trọng hợp tác quốc tế và khu vực trong phát triển kinh tế biển bền vững…
Hiện tại, Quảng Ninh đang tập trung khẩn trương xây dựng dự thảo Nghị quyết và Đề án Phát triển nhanh, bền vững kinh tế biển tỉnh Quảng Ninh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Trong đó, Quảng Ninh phấn đấu đến năm 2030 trở thành một trong những trung tâm kinh tế biển bền vững của cả nước trên cơ sở phát triển du lịch – dịch vụ kết nối khu vực và quốc tế; đầu tư xây dựng hệ thống cảng biển, các âu tàu du lịch đẳng cấp quốc tế gắn với phát triển các khu đô thị biển – ven biển và là một trong những trung tâm logistics trọng điểm, tạo động lực phát triển mạnh cho vùng Đồng bằng sông Hồng và cả nước. Tốc độ tăng trưởng kinh tế biển trung bình trên 10%/năm, đóng góp vào GRDP của tỉnh đạt 25%.
Tin tưởng rằng với những lợi thế, thuận lợi về điều kiện vị trí địa lý, cùng những hoạch định, chiến lược lâu dài, bền vững trong Quy hoạch tỉnh Quảng Ninh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050 về kinh tế biển, những hướng đi, mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể trong đề án phát triển nhanh, bền vững kinh tế biển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Quảng Ninh sẽ phát huy mạnh mẽ hơn nữa những lợi thế về biển, qua đó đóng góp bền vững vào phát triển kinh tế chung của tỉnh.
Bài viết tham khảo từ: Báo Quảng Ninh
Hạ Long Media tổng hợp